Rừng được ví như lá phổi xanh của Trái Đất, có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái và cung cấp nguồn sống cho hàng triệu loài sinh vật. Tuy nhiên, những hành động của con người đang góp phần làm suy giảm rừng, đe dọa sự đa dạng sinh học và gây ra những hậu quả đáng báo động.
Thực trạng rừng hiện nay ở Việt Nam
Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng. Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển.
Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022-2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
5 hành động chính của con người khiến rừng suy giảm nghiêm trọng
- Đốn chặt cây cỏ gỗ: Sự đốn chặt cây gỗ để sử dụng trong việc làm đồ nội thất, xây dựng hoặc làm nhiên liệu làm cho rừng mất đi một phần lớn cây cỏ, gây thiệt hại đáng kể đến sinh thái rừng.
- Đốn chặt rừng để mở rộng đất đai: Sự mở rộng đất đai cho mục đích nông nghiệp, đô thị hóa hoặc lập dự án công trình dân dụng cũng đóng góp lớn vào việc giảm diện tích rừng. Quá trình này không chỉ mất mát rừng mà còn tạo ra các vấn đề như mất mát đa dạng sinh học, sự giảm mức nước trong đất và làm thay đổi hệ sinh thái.
- Cháy rừng: Cháy rừng là một vấn đề nghiêm trọng khiến rừng mất mát không thể phục hồi nhanh chóng. Cháy rừng có thể xảy ra do các hoạt động con người và cũng có thể do nguyên nhân tự nhiên. Cháy rừng không chỉ mất đi cây cỏ và động vật sống trong rừng mà còn gây ra ô nhiễm không khí và tăng lượng khí nhà kính
- Áp lực dân số: Sự tăng trưởng dân số và nhu cầu ngày càng tăng của con người đã thúc đẩy sự khai thác quá mức tài nguyên rừng, là nguyên nhân gián tiếp khiến cho rừng ngày càng bị suy giảm.
- Rác thải và ô nhiễm: Việc xả rác thải và chất ô nhiễm từ các nguồn công nghiệp, nông nghiệp và dân cư gần rừng có thể gây hại cho rừng. Chất độc hại từ rác thải và ô nhiễm có thể làm suy giảm chất lượng đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ sinh thái rừng và động vật sống trong đó.
Một số biện pháp bảo vệ rừng
Bảo vệ rừng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của các cơ quan chức năng để bảo vệ lá phổi xanh, bảo vệ môi trường sống, hạn chế các thiên tai lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Một số giải pháp bảo vệ rừng có thể là:
- Chính phủ cần có chủ trương bảo vệ và phát triển rừng phủ xanh đất trống đồi trọc để ít nhất đạt được mức chỉ tiêu rừng của thế giới là bình quân 0,97 ha/người mới cân bằng sinh thái, mang đến môi trường sống lý tưởng cho người dân.
- Tăng cường các chủ trương ngăn chặn nạn phá rừng, nạn lâm tặc hiện nay.
- Tuyên truyền rộng rãi và phổ biến đến người dân những vai trò của rừng, để hạn chế nạn chặt rừng canh tác quá mức.
Nguồn: hoinongdan.org