Trong 6 tháng đầu đời, các bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ, đồng thời còn hạn chế bệnh tật đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp
Ngày nay có rất nhiều nghiên cứu chứng minh sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mà không có một loại thức ăn nào có thể thay thế được. Tổ chức y tế thế giới (WHO) và viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo: “Trong 6 tháng đầu đời, các bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ, đồng thời còn hạn chế bệnh tật đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp”. Vì sao sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ - Chúng ta cùng tìm hiểu về những thành phần dinh dưỡng và tác dụng của sữa mẹ. Sữa mẹ bao gồm sữa non, sữa trưởng thành, sữa đầu và sữa cuối. Hiện có hơn 200 thành phần trong sữa mẹ đã được biết đến nhờ các nghiên cứu khoa học.
a. Sữa non: Là sữa được tiết ra trong ba ngày đầu sau khi sinh với lượng nhỏ. Sữa non đặc sánh, có màu vàng nhạt vì nó có chứa hàm lượng cao beta carotene (hơn 10 lần so với sữa trưởng thành). Sữa non có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống đẩy phân su, ngăn chặn vàng da.
Trong sữa non chứa nhiều immunoglobulin A (IgA) là một protein chống lại virus đường hô hấp, vi khuẩn và ký sinh trùng đường ruột, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột của trẻ sơ sinh. Sữa non còn chứa các chất chống nhiễm khuẩn như lactoferin, lysosim, nitrogen… có tác dụng diệt khuẩn, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, bảo vệ cơ thể trẻ. Trong sữa non chứa nhiều vitamin A làm giảm nhiễm khuẩn nặng, phòng các bệnh về mắt. Hàm lượng cao vitamin E, kẽm và các yếu tố phát triển trong sữa non giúp cho hệ thống tiêu hóa của trẻ phát triển nhanh sau khi sinh, phòng chống dị ứng và sự không dung nạp của thức ăn.
Theo Guthrie (1989), mỗi 100 ml sữa non có khoảng:
- 58 calo
- Carbohydrates: 5,3 g
- Chất béo: 2,9 g
- Protein: 3,7 g
Hàm lượng protein trong sữa non cao hơn sữa trưởng thành, giúp trẻ tăng tạo đề kháng chống lại nhiễm trùng sau khi rời khỏi cơ thể mẹ.
b. Sữa trưởng thành (sữa ổn định):
Là sữa mẹ được sản xuất sau 21 ngày kể từ khi cho con bú, số lượng sữa nhiều hơn, màu trắng đục hơn sữa non.
Theo một báo cáo của Anh, mỗi 100 ml sữa mẹ trưởng thành có khoảng:
- 70 calo
- Nước: 89,97g
- Carbohydrate: 7,4g
- Chất béo: 4,2g
- Protein: 1,3g
Theo các nghiên cứu được trích dẫn bởi Viện Y học của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ (1991), mỗi lít sữa mẹ trưởng thành cũng có:
- Cholesterol 100-150 mg / L
- Canxi 254-306 mg / L
- Natri 140-220 mg / L
- Phốt pho 188-262 mg / L
- Vitamin C 50 đến 60 mg / L
- Magnesium 35 mg / L
Cùng với những chất trên, trong sữa mẹ còn có một lượng nhỏ kẽm, acid pantothenic, acid nicotinic, iốt, vitamin A và đồng. Sữa mẹ có chứa một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất khác (bao gồm cả E, K, D và các vitamin B) và một loạt các kích thích tố, yếu tố tăng trưởng.
c. Sữa đầu
Sữa đầu là sữa được sản xuất vào đầu bữa bú, số lượng nhiều, sữa đầu có nhiều nước, protein và đường. Trẻ bú mẹ chủ yếu nhận được đủ nước khi bú sữa đầu nên không cần uống thêm nước ngay cả khi trời nóng nực. Sữa đầu có vị lờ lợ gần giống orezol giúp trẻ được bù đắp đầy đủ điện giải. Nếu trẻ chỉ bú sữa đầu sẽ chóng đói và không bụ bẫm do thiếu năng lượng.
d.Sữa cuối
Sữa cuối đặc hơn vì có nhiều chất béo và có màu vàng hơn sữa đầu. Chất béo cung cấp năng lượng cho bữa bú và cung cấp thêm cả một số vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, K, E nên cần cho trẻ bú kiệt hết một bên vú mỗi bữa bú để trẻ nhận được đầy đủ lượng chất béo cần thiết. Trẻ được bú sữa cuối sẽ no lâu hơn, đủ giá trị dinh dưỡng và trẻ bụ bẫm hơn những trẻ chỉ bú sữa đầu.
Các chất dinh dưỡng và calo trong sữa mẹ có thể thay đổi tùy theo:
- Số ngày mẹ cho bé bú
- Số lần mẹ cho bé bú trong ngày
- Thời gian cho bé bú trong ngày
- Chế độ dinh dưỡng của người mẹ.