Theo tổ chức y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đứng thứ 3 trong các bệnh gây tử vong cao trên thế giới chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ.
Theo tổ chức y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đứng thứ 3 trong các bệnh gây tử vong cao trên thế giới chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ. Khi bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thành phế quản dày lên, sưng phù khiến phế quản hẹp lại, đồng thời ,các cơ quanh phế quản siết chặt lại gây tắc nghẽn và tạo ra đờm khiến người bệnh ho, khạc đờm, khó thở, các phế nang dần bị phá hủy. Biến chứng của COPD có thể dẫn tới phì đại thất phải và suy tim phải (tâm phế mạn).
Hiện nay, phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn là một căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của quá trình điều trị bệnh là cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh, nâng cao sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Các loại thuốc chủ yếu được sử dụng là các thuốc dạng hít, bình xịt định liều. Một trong những thuốc được các cán bộ y tế tư vấn rộng rãi trên bệnh nhân COPD là các chế phẩm glucocorticoid gọi tắt là corticoid.
Corticoid các tác dụng ổn định giúp bệnh nhân dễ thở, giảm nguy cơ xuất hiện đợt cấp. Corticoid dạng uống được chỉ định ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn nặng và có đợt cấp lặp đi lặp lại trong 3 năm gần nhất.
Tuy nhiên, khi mắc COPD, người bệnh chỉ nên dùng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn (5-14 ngày) để tránh các tác dụng không mong muốn. Sau đợt cấp, bệnh nhân có thể chuyển sang dùng corticoid dạng xịt. Corticoid dạng xịt có tác dụng trực tiếp lên thành phế quản, ít ảnh hưởng đến toàn thân, do vậy hạn chế các tác dụng không mong muốn và được sử dụng rộng rãi hơn dạng uống. Ngoài ra, việc dùng thường xuyên corticoid dạng xịt giúp làm giảm đáng kể số đợt bùng phát và cải thiện tình trạng sức khỏe chung của người bệnh.
Tuy nhiên, dùng corticoid kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể:
- Mắt: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
- Da: Trứng cá, teo da, ban và tụ máu, đỏ mặt, chậm liền sẹo, rạn da.
- Nội tiết: Hội chứng Cushing (tích mỡ mặt và thân), chậm phát triển ở trẻ em.
- Chuyển hóa: Tăng đường máu (có thể dẫn đến các biến chứng đái đường như nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu), giữ nước, hạ kali máu.
- Tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim mất bù
- Thần kinh - tâm thần: Kích thích, sảng hoặc trầm cảm.
- Nhiễm khuẩn và giảm miễn dịch: Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, trong đó có nhiễm nấm và lao; khởi phát nhiễm trùng tiềm tàng.
- Vận động: Loãng xương, hoại tử đầu xương, bệnh lý về cơ (yếu cơ, nhược cơ)
- Tai biến do dùng thuốc: Cơn suy thượng thận cấp…
Corticoid được ví như con dao hai lưỡi bởi đối lập với hiệu quả trong việc điều trị bệnh , hormone nhóm này cũng gây nên những biến chứng nguy hiểm khi sử dụng không đúng cách. Để việc điều trị COPD đạt hiệu quả cao, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của nhân viên y tế, không tự ý bỏ thuốc hay tăng liều đột ngột . Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh nên kết hợp với tập luyện, dinh dưỡng và những sản phẩm hỗ trợ điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.